Lý do Kim Jong Un diễn kịch bản ‘giả chết’?
Trong quá khứ, người cha và người ông quá cố của nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un từng bị cho là đã chết, sau đó họ bất ngờ xuất hiện trước công chúng, liệu Kim có lặp lại kịch bản “chết đi sống lại” như cha, ông của ông ta.
Sự vắng mặt suốt 2 tuần qua của nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un khiến nhiều tin đồn ông bị bệnh rất nặng. Tuy nhiên Kim không phải là người đầu tiên của giới cầm quyền Bắc Hàn từng biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng lâu ngày.
Một số người vắng mặt do những nguyên nhân có thật, bao gồm tử vong, đau yếu, hoặc bị thanh trừng. Nhưng theo một bài viết đăng trên tờ AP ngày 28/4, thường thì những vụ mất tích đó đơn giản là nhằm ngăn chặn sự tò mò thái quá về những gì xảy ra bên trong quốc gia cô lập có vũ khí hạt nhân và những bí mật bao quanh nhà lãnh đạo của họ.
Kim Il Sung (Kim Nhật Thành)
Trước khi Chủ tịch Bắc Hàn Kim Il Sung qua đời vào năm 1994, người ta cho rằng không có ai vừa ghét vừa sợ người sáng lập Bắc Hàn hơn là người Nam Hàn. Các lực lượng của ông đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào Nam Hàn tháng 6/1950, gây ra một cuộc chiến tàn khốc khiến Hoa Kỳ và Trung cộng phải can thiệp. Cuộc chiến đã làm chết và bị thương hàng triệu người trước khi hai miền đình chiến 3 năm sau đó.
Ông cũng từng phái biệt kích ám sát tổng thống Nam Hàn Park Chung-hee vào năm 1968 nhưng vụ việc bất thành, và cử các điệp viên đến ném bom làm 21 người chết, trong đó có một số bộ trưởng nội các Nam Hàn, trong chuyến thăm Myanmar năm 1983 của tổng thống Nam Hàn khi đó là Chun Doo-hwan.
Vào tháng 11/1968, báo chí Nam Hàn đưa tin ông Kim Il Sung đã chết, công chúng vô cùng phấn khích, ít nhất trong vài giờ, nhưng sự hoảng loạn và bất ổn cũng xảy ra ở biên giới.
Các báo cáo bắt đầu lưu hành vào ngày 16/11 khi tờ báo Nam Hàn Chosun Ilbo xuất bản một bản tin ngắn từ phóng viên của họ ở Tokyo cho biết ở Nhật lúc đó có tin đồn Kim Il Sung đã chết. Mọi thứ trở nên lạ lùng khi vào ngày hôm sau phát ngôn viên quân đội Nam Hàn thông báo rằng nhiều người Bắc Hàn đã sử dụng loa phóng thanh ở biên giới loan báo rằng nhà lãnh đạo đã bị bắn chết.
Tờ Chosun đã phát hành một phiên bản bổ sung để báo cáo câu chuyện vào thứ Hai, ngày 17/11, là ngày mà thông thường tờ báo này không xuất bản, trước khi họ dành tới 7 trang để mô tả vụ ám sát Kim Il Sung vào ngày 18/11, dưới tiêu đề vẫn nổi tiếng cho tới hôm nay, ngay trên trang nhất rằng “Kim Il Sung bị bắn chết”.
Các tờ báo khác đã viết các câu chuyện tương tự tiếp nhiệt cho sự phấn khích đó và nó đột ngột kết thúc nhiều giờ sau khi Kim Il Sung xuất hiện “còn sống và khỏe mạnh” tại một sân bay ở Bình Nhưỡng, thủ đô của Bắc Hàn, để chào đón một phái đoàn Mông Cổ đến thăm.
Tờ Chosun, tờ báo lớn nhất của Nam Hàn, không bao giờ công bố đính chính nào về vụ việc. Nhưng tờ báo đã chính thức xin lỗi về câu chuyện kể trên vào tháng trước, khi họ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập tờ báo.
Kim Il Sung, thường được miêu tả là một anh hùng cách mạng chống Nhật và mãi mãi là chủ tịch của đất nước, thậm chí hơn hai thập niên sau khi ông qua đời. Ngày sinh của ông được coi là ngày sinh ra mặt trời và trở thành ngày lễ quan trọng nhất nước. Thế giới đã chứng kiến mức độ tôn sùng khi Kim Jong Il qua đời trong năm 2011, lúc đó người dân Bắc Hàn đổ ra đường than khóc không tài nào ngăn nổi.
Nhiều người đã chế giễu sự kiện đó và cho rằng người dân khóc giả nhằm xoa dịu chính quyền vì họ sợ bị trả thù nếu không thương tiếc nhà lãnh đạo khi ông ta qua đời.
Kim Jong Il (Kim Chính Nhật)
Kim Jong Il, người cha ẩn dật nổi tiếng của Kim Jong Un, cũng là chủ đề của vô số báo cáo và những lời đồn đại về sự sụp đổ của ông ta.
Vào năm 2004, một vụ nổ lớn tại một nhà ga xe lửa của Bắc Hàn ở biên giới Trung Hoa đã truyền cảm hứng cho những tin đồn về một vụ ám sát khi con tàu chở ông ta đi qua đó hàng giờ trên hành trình trở về từ Bắc Kinh.
Có báo cáo rằng hai đoàn tàu chở nhiên liệu đã va chạm vào nhau khiến làm chết và làm bị thương hàng ngàn người, nhưng có liên quan tới chuyến tàu của nhà lãnh đạo hay không thì câu chuyện đó không bao giờ được xác nhận.
Những câu chuyện về cái chết của Kim Jong Il theo sau vụ ông ta đột quỵ năm 2008 nhiều đến nỗi khiến các cơ quan quản lý tài chính Nam Hàn năm 2009 phải điều tra xem liệu những tin đồn này có cố tình được lan truyền để thao túng thị trường chứng khoán hay không.
Khi Kim Jong Il qua đời vào tháng 12/2011, sau nhiều năm sức khỏe sa sút và cũng giảm tần xuất suất hiện trước công chúng, thế giới bên ngoài không có manh mối nào, cho đến khi truyền thông nhà nước Bắc Hàn thông báo tin tức sau đó hai ngày.
Người em gái quyền lực một thời của ông Kim Jong Il, bà Kim Kyong Hui (Kim Kính Cơ), cũng chung nỗi niềm về những bài báo đăng tin bà đã chết trước đó. CNN vào tháng 5/2015 đã trích dẫn một người đào thoát Bắc Hàn báo cáo rằng Kim Jong Un đã đầu độc bà Kim đến chết. Khoảng 6 năm sau, người phụ nữ 73 tuổi này xuất hiện trước công chúng, ngồi gần cháu trai trong một buổi hòa nhạc.
Kim Jong Un (Kim Chính Ân)
Các báo cáo mâu thuẫn trong những tuần qua đã nói rằng Kim không “nguy kịch” tính mạng thì cũng “sống thực vật” hoặc “rất ổn” theo sau một cuộc phẫu thuật tim có thể đúng nhưng cũng có thể là không xảy ra.
Năm 2014, Kim biến mất khỏi công chúng trong gần 6 tuần trước khi tái xuất với một cây gậy. Cơ quan tình báo Nam Hàn nói rằng ông ta được phẫu thuật loại bỏ khối u ở mắt cá chân.
Trong 2016, truyền thông Nam Hàn dẫn lời các viên chức tình báo cho biết ông Kim đã xử tử một chỉ huy quân sự vì tham nhũng và các cáo buộc khác. Nhưng nhiều tháng sau, truyền thông Bắc Hàn cho thấy ông Ri Yong Gil còn sống và vẫn tại chức.
Kim Jong Un được nhìn thấy lần cuối trước công chúng vào ngày 11/4 khi chủ trì một cuộc họp về phòng chống virus corona nhưng lại vắng mặt trong dịp kỷ niệm ngày sinh người ông quá cố Kim Nhật Thành vào ngày 15/4, lần đầu tiên kể từ khi ông ta lên nắm quyền trong năm 2011.
Truyền thông nhà nước Bắc Hàn từ đó đã đưa tin về các hoạt động hằng ngày của Kim Jong Un, nhưng không phải là các hoạt động công khai. Họ nói ông ta gửi lời chào đến lãnh đạo các nước như Syria, Cuba và Nam Phi và bày tỏ sự đánh giá cao đối với công dân, bao gồm cả công nhân xây dựng các cơ sở du lịch ở thị trấn ven biển Wonsan, nơi mà một số suy đoán rằng ông ta đang ở đó.
Nhiều khả năng Kim có thể tái xuất bất kỳ lúc nào, tiếp nối truyền thống của gia đình về sự “chết đi sống lại”. Một số chuyên gia cho rằng sức khỏe của Kim sẽ có vấn đề trong vài năm tới, căn cứ vào cân nặng, thói quen hút thuốc và các vấn đề sức khỏe khác.
‘Viện nghiên cứu Vạn thọ vô cương’ của gia tộc họ Kim
Tin đồn là như Tần Thủy Hoàng thời xưa ở Trung Hoa, dòng họ Kim bắt đầu từ thời Kim Il-sung đã không ngừng thành lập các trung tâm nghiên cứu thử nghiệm các loại thực vật và dược phẩm giúp kéo dài tuổi thọ, thậm chí còn thử nghiệm việc ‘thay máu’ của người trẻ tuổi.
Theo các tin tức tổng hợp, lãnh đạo Bắc Hàn Kim Il-sung có thể sống lâu trăm tuổi nhờ “Viện khoa học cơ sở” được thành lập từ những năm 1970. Sau khi Kim Jong-il lên nắm quyền đã đổi tên thành “Viện nghiên cứu vạn thọ vô cương”, gồm hơn 4.000 tinh anh trong lĩnh vực nghiên cứu, chuyên thử nghiệm các loại thực vật và dược phẩm dành cho cha con họ Kim, thậm chí đã tiến hành thử nghiệm trên người.
Theo một bài viết vào năm 2013 trên tờ Daily Telegraph của Anh, Kim So-Yeon, người từng là bác sĩ riêng của Kim Il-sung, đã xuất bản một cuốn sách đề cập đến việc bà đã dành bao nhiêu năm để nghiên cứu kéo dài tuổi thọ cho Kim Il-sung.
Kim-Yeon là bác sĩ riêng của Kim Il-sung, đã đào thoát khỏi Bắc Hàn vào năm 1992. Bà tiết lộ rằng: Kim Il-sung sống thọ trăm tuổi vì đã sử dụng rất nhiều phương pháp, thậm chí còn tìm người trẻ trên 20 tuổi để “thay máu”, nhưng bởi vì việc này có thể dẫn tới chứng bại huyết nên các chuyên gia không dám khinh suất tiến hành thử nghiệm. Vì thế khi đó, các chuyên gia đưa ra “phương pháp nụ cười”, khiến Kim Il-sung bảo trì sức khỏe bằng cách cười lớn, hoặc để những đứa trẻ pha trò để làm ông vui vẻ.
Đến thời Kim Jong-il, “Viện nghiên cứu Vạn thọ vô cương” ngoài nhiệm vụ ban đầu, còn phải phòng chữa các loại bệnh cho ông Kim như bệnh phổi do sở thích hút thuốc lá của ông. Nơi đây đặc biệt cử ra một nhóm chuyên nghiên cứu phương pháp giảm thiểu nicotin và hắc ín trong thuốc lá.
Bà Kim So-Yeon từng nói với CNN rằng: Kim Jong-un, Kim Il-sung và Kim Jong-il đều có vấn đề về tim mạch và tiểu đường, tuy nhiên bệnh của Kim Jong-un còn nghiêm trọng hơn ông và cha của mình. Khuôn mặt bị phù thũng của Kim Jong-un có thể là do tác dụng phụ của việc sử dụng thuốc giảm đau hoặc tiêm hormone, khiến bản thân trông ngày càng giống Kim Il-sung, tiếp nối diện mạo giống như trong lời đồn của nhà họ Kim.
Các tư liệu cho thấy, sự tồn tại của “Viện nghiên cứu Vạn thọ vô cương” thuộc diện cơ mật cấp độ cao, chỉ có cán bộ cao cấp mới biết về vị trí cụ thể của trung tâm nghiên cứu này. Nơi đây cũng được canh phòng nghiêm ngặt 24/7 bởi quân nhân của Bộ Tư lệnh có trang bị vũ trang đầy đủ. Tuy vật từ Kim Jong-un, Kim Il-sung và bây giờ là Kim Jong-il cho thấy “Viện nghiên cứu Vạn thọ vô cương” này đã không thành cộng trong việc dành giữ tuổi thộ cho dòng họ Kim.
Nạn sùng bái lãnh tụ khó tin ở Bắc Hàn
Sự sùng bái cá nhân đã thấm vào mọi khía cạnh cuộc sống của Bắc Hàn, theo bài viết của Louis Casiano đăng trên tờ Fox News ngày 28/4.
Trong khi suy đoán gia tăng về việc nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un (Kim Chính Ân) ở đâu loan truyền trên khắp thế giới, thì người Bắc Hàn không được nói hoặc biết chuyện Kim mất tích
Những người đào thoát khỏi Bắc Hàn cho biết khi họ bí mật liên lạc với những người thân và bạn bè ở Bắc Hàn thì những người này hoặc là không hay biết những đồn đoán quốc tế về sức khỏe của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, hoặc không muốn nói về chuyện này, theo bản tin hôm thứ Ba của Reuters.
Hai người đào thoát nói với Reuters rằng một số người thân của họ ở Bắc Hàn không biết rằng Kim đã mất tích trong gần hai tuần qua, một số khác thì cho biết họ không muốn thảo luận về vấn đề này, số còn lại đột ngột cúp máy khi nghe đề cập tới sức khỏe của lãnh đạo tối cao ở Bắc Hàn.
Một người đào thoát khác nói rằng bạn bè của họ ở Bắc Hàn vẫn thảo luận kín với nhau về việc ông Kim mất tích khỏi các sự kiện lớn của đất nước thời gian qua, nhưng không biết nhiều sự tình về việc này.
Người dân Bắc Hàn chỉ được hiểu rằng gia tộc Kim là những người cai trị họ
Cha của Kim Jong Un là Kim Jong Il (Kim Chính Nhật), người nắm quyền cai trị đất nước trước ông ta.
Ông nội của Kim Jong Un là Kim Il Sung (Kim Nhật Thành), người đã thành lập Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Bắc Hàn hơn 7 thập niên về trước.
Trong một nỗ lực nhằm kiểm soát, chế độ triều đại và đảng Lao động Bắc Hàn đã niêm phong đất nước với thế giới bên ngoài thông qua những hạn chế nghiêm ngặt đối với việc đi lại, Internet và bất cứ điều gì khác được coi là mối đe dọa với hệ tư tưởng cực tả của họ, ngoài ra còn đàn áp tự do ngôn luận và biểu đạt.
Phần nào trong công cuộc giữ chặt quyền lực còn có việc nuôi dưỡng một sự sùng bái cá nhân, tô vẽ gia tộc Kim như những vị “thánh sống” nhằm thống trị người dân.
Bên cạnh đó, truyền thông nhà nước Bắc Hàn liên tục đưa ra những câu chuyện tích cực về Kim Jong Un và yêu cầu các bé thiếu nhi phải học về gia đình ông ta thông qua các bài hát và các bài giảng ngay trên ghế nhà trường.
Dựng tượng khắp mọi nơi
Hình ảnh của Kim Il-Sung xuất hiện trên những tấm biển quảng cáo lớn, các tòa nhà, công sở, lớp học và dưới dạng một bức tượng lớn bên cạnh con trai ông đặt ở một nơi, mà người Bắc Hàn ghé thăm hàng ngày để đặt hoa và cúng bái. Ngay cả tàu hỏa cũng có hình ảnh của cả hai người này.
Hơn 500 bức tượng như vậy trên khắp Bắc Hàn tôn vinh Kim Il-Sung, và những bức chân dung của ông ta cũng như chân dung con trai của ông ta gần như khắp mọi nhà. Người dân cũng được yêu cầu ghim biểu tượng thể hiện yêu nước trên áo của họ.
Hình ảnh của các nhà lãnh đạo ở khắp mọi nơi và gần như không thể tránh khỏi.
Tẩy não ngay khi còn nhỏ
Học sinh Bắc Hàn được dạy về lòng nhân từ của các nhà lãnh đạo ngay từ khi còn thơ ấu. Đồng thời, những đứa trẻ được truyền bá tinh thần ghét bỏ Hoa Kỳ.
Một người đàn ông đào thoát khỏi Bắc Hàn đã chia sẻ với tờ Bưu điện Washington rằng, ngay cả những vật phẩm thông thường hay sự kiện tích cực nhất cũng được liên hệ đến gia tộc nhà họ Kim để gợi nhớ lòng biết ơn đối với gia tộc này.
Ví như, “Các thầy cô giáo sẽ nói: Các em có biết sữa là từ đâu mà có không? Là từ Lãnh tụ kính yêu. Nhờ có sự yêu thương và quan tâm của ông, ngày nay chúng ta mới có sữa để uống”, theo lời kể của Lee Hyun-ji, một người đào thoát Bắc Hàn.
Học sinh trung học được dạy hàng giờ các khóa học riêng về Kim Il Sung và Kim Jong Il. Bộ máy tuyên truyền của Bắc Hàn mô tả gia tộc Kim như những vị “thánh sống” nhằm thống trị người dân nước họ.
Các chương trình truyền hình được cài đặt cố định và do các kênh nhà nước quản lý, bất kỳ ai bị bắt với đĩa DVD hoặc thiết bị nước ngoài đều bị trừng phạt. Hầu hết người dân không có quyền truy cập Internet và chính quyền kiểm soát chặt chẽ luồng thông tin.
Sáng Tạo Kỳ tích
Sự sùng bái cá nhân được chắp cánh bay xa bằng những bài hát ca ngợi gia tộc Kim.
Hơn cả thế là những tuyên bố phi lý. Một giáo trình được cấp cho các giáo viên Bắc Hàn trong năm 2015 đã tuyên bố rằng, Kim Jong Un lần đầu tiên lái xe hơi vào năm 3 tuổi và ông ta đã đua với giám đốc điều hành của một công ty du thuyền nước ngoài khi mới 9 tuổi. Ông ta cũng đã vẽ nên những kiệt tác và sáng tác ra những bản nhạc vượt bậc.
Và trong những tuyên bố khác, nếu như chúng có thật, rằng Kim Jong Il và Kim Il Sung không bao giờ đi đại tiện hay tiểu tiện. Trong lĩnh vực thể thao, Kim Jong Il được tung hô là đã khiến cho người khác phải ngả mũ bởi là một người chơi hoàn mỹ, khi đánh trúng 11 lỗ trong một trận đấu golf.
Những tuyên truyền khác nói rằng ông ta được sinh ra dưới một cầu vồng đôi và ngày ông ta chào đời xuất hiện một ngôi sao mới. Truyền thông nhà nước cũng nói rằng ông ta đã viết hơn 1.500 cuốn sách, và khi còn là nhũ nhi, ông bắt đầu đi bước đầu tiên lúc 3 tuần tuổi.
Hội trường hữu nghị
Phòng triển lãm Hữu nghị Quốc tế ở Myohyangsan, Bắc Hàn, nơi lưu trữ một bộ sưu tập quà tặng được trao cho Kim Il Sung và con trai của ông ta từ các nhà lãnh đạo nước ngoài. Hội trường được nhiều người Bắc Hàn ghé thăm và được coi là một địa điểm du lịch lớn cho người nước ngoài được các quan chức Bắc Hàn hộ tống khắp mọi nơi mọi lúc.
Theo các nhà phân tích Bắc Hàn, bảo tàng có ý nghĩa truyền tải thông điệp rằng, chính quyền nhận được sự ủng hộ trên toàn thế giới. Hội trường có hơn 100.000 món quà tặng bao gồm một chiếc xe lửa của nhà độc tài Xô Viết Joseph Stalin, một chiếc xe tăng USSR từ Đông Đức, cũng như những món quà từ những chính quyền chuyên chế khác.