“Hiệu Ứng DUNNING-KRUGER”
Ếch Ngồi Đáy Giếng
“Ngu dốt mới là thứ hay sinh ra sự tự phụ chứ không phải là tri thức.”
Charles Darwin
Trong thời gian gần đây một thuật ngữ được gọi là “Hiệu ứng Dunning-Kruger” dù kém thông dụng trong ngành Tâm lý học nhưng lại được một vài tạp chí Mỹ như là Salon, Politico và Tạp chí New York nhắc đến qua các bài viết có liên quan đến Donald Trump, Tổng thống thứ 45 của Mỹ. Qua đó, “Hiệu ứng Dunning-Kruger”, một nguyên lý (principle) của tâm lý học đang trở nên nổi tiếng hơn nhiều so với trước đây.
Vào năm 1995, McArthur Wheeler cướp hai nhà Bank tại Pittsburgh, Mỹ. Anh ta bị cảnh sát bắt ngay lập tức sau đó vì bị máy quay phim trong ngân hàng nhận diện rõ ràng.
Khi bị bắt anh tỏ vẻ ngạc nhiên: “Làm sao tôi lại bị nhận diện, tôi đã che mặt rồi mà?“ Thì ra để tìm cách che mặt khỏi bị nhận diện, anh ta có lấy nước chanh vắt ra để xoa lên mặt! Câu chuyện “dốt mà cứ tưởng mình giỏi” của McArthur Wheeler đã gây cảm hứng cho nhà tâm lý gia David Dunning bỏ công nghiên cứu về hiện tượng kỳ lạ này. Kết quả về sau, David Dunning và Justin Kruger, anh sinh viên cùng nghiên cứu lập nên hiệu ứng tâm lý, đặt tên “hiệu ứng Dunning-Kruger”. Cả hai cùng quan sát để nhận ra rằng, có những người không biết hoặc không có khái niệm về một lĩnh vực nhất định nào đó lại thường tin rằng họ có năng lực nhiều hơn so với khả năng thực sự của họ. Không thiếu những người lái xe thật tệ mà cứ nghĩ mình là một tay lái …lụa. Có những người hoàn toàn không có khái niệm về hài hước thì lại nghĩ mình là tay nói giễu có duyên. Rõ ràng nhất là trường hợp Trump, một doanh nhân chuyên nghiệp lại tưởng rằng mình là một chính trị gia xuất sắc, tuyệt vời nhất trong lịch sử tổng thống Mỹ từ xưa đến nay.
Dunning và Kruger ghi nhận, tư liệu hệ thống hóa hiệu ứng này qua một số trường hợp có liên quan cùng nhau. Kết quả đầu tiên của hai thầy trò được công bố vào năm 1999 với ấn bản mang tựa đề độc đáo: “Không học và không ý thức về nó: Những khó khăn trong việc nhận ra sự thiếu khả năng của chính mình dẫn đến việc tự đánh giá cao”. Cả hai tác giả khẳng định, bạn cần kỹ năng và kiến thức để tự đánh giá, để biết được bạn có kỹ năng và hiểu biết như thế nào. Lấy ví dụ điển hình, một cô gái khiếm thị có thể nghĩ mình là một hoa hậu hoặc một ca sĩ ca sĩ điếc tai có thể không thể phân biệt được tài năng của mình với những danh ca khác.
Nhìn qua biểu đồ Hiệu ứng Dunning-Kruger (sự tương quan giữa Tự tin (Confidence) và Khả năng (Competence) ta sẽ dễ dàng nhận thấy những người không biết gì (None), kỹ năng kém lại có sự tự tin trên mức thực tế, họ nghĩ rằng họ biết tất cả. Có thể gọi đây là ảo tưởng tự tôn (illusory) (bên trái của biểu đồ).
Sau đó, với kinh nghiệm ngày càng tăng, mọi người nhận ra rằng họ ít biết hơn như họ tưởng, kỹ năng của họ khiêm tốn như thế nào. Các nhận thức tự tin lấy mình lại giảm dần đạt đến mức thấp nhất (phần giữa của biểu đồ).
Trong khi đó, những người có kỹ năng cao lại đánh giá thấp năng lực của họ. Giới tâm lý gia gọi đây là ảo tưởng tự ti (illusory inferiority). Hoặc diễn giải theo triết lý thì người có hiểu biết cao, họ thấy “cái biết” của con người là vô tận so với “cái biết” quá khiêm tốn của họ (bên phải của biểu đồ). Đây cũng là điều mà cách đây 400 năm William Shakespeare đã từng nói: “Người khờ nghĩ mình là người khôn ngoan, nhưng người khôn ngoan biết mình là một kẻ ngốc.”
Qua hiệu ứng “Dunning-Kruger” ta có thể rút ra nhận xét rằng: một người năng lực kém không thể nhận ra giới hạn của sự kém cỏi của họ nên thường có khuynh hướng đánh giá quá cao năng lực của mình và cũng từ đó họ không thể nhận ra kỹ năng, năng lực thật sự của người khác.
Đất nước nào có những nhà lãnh đạo chính trị thuộc loại “hiệu ứng Dunning-Kruger” thì thật là một tai họa cho dân tộc của họ. Chính sự kém cỏi lại là nguyên nhân của việc không nhận ra sự kém cỏi để rồi sinh ra tính quá tự tin (overconfidence), từ đó đưa ra những quyết định sai lầm nhưng lại không chịu thu hồi quyết định của mình.
Xét cho kỹ, “hiệu ứng Dunning-Kruger” chỉ cách Narcissism (Tính tự yêu mình) một tầm tay ngắn. Cái khác là những người tự yêu mình (Narcissist) có thể họ có khả năng nhưng lại quá tự cao, xem “trời bằng vung”. Một ví dụ cụ thể nhất cho người vừa thuộc narcissist vừa “Dunning-Kruger” không ai khác hơn là Donald Trump. Theo dõi những lời tuyên bố, những lời tự tán dương mình, những lời chê bai người khác, lỗi lầm luôn luôn là do người khác chứ ông ta hoàn toàn vô can thì thực sự Trump vừa narcissist vừa “Dunning-Kruger”.
Tại đây sẽ có người đặt câu hỏi ngược lại: Nếu nói Trump thuộc “hiệu ứng Dunning-Kruger” có nghĩa ông ta không có khả năng nhưng sự thật Trump là một doanh nhân thành công giàu có, với hàng trăm cơ sở làm ăn? Thật vậy, không ai chối cãi Trump là người có tài biết làm giàu nhưng ông ta lại là người hoàn toàn không có kỹ năng lãnh đạo chính trị. Với một hệ thống phân quyền phức tạp dựa theo hiến pháp Mỹ từ 1787 đến nay nhằm tránh tập trung quyền lực vào tay một Tổng thống, để được xem là một tổng thống tài năng, có uy quyền thì ông ta phải cần có ba tố chất tối thiểu là phải biết thỏa hiệp, ngoại giao khéo léo và đạo đức chính trị. Cả ba tố chất quan trọng nhất này là con số không đối với Trump. Từ đó dẫn đến kết quả, sau gần ba năm dù được xem là người có quyền lực nhất của Mỹ và ngay cả của thế giới, Trump nhảy từ thất bại này sang thất bại khác. Dù đảng Cộng Hòa của Trump thống lĩnh cả Hạ viện và Thượng viện của quốc hội Mỹ nhưng ông ta chưa đạt được một kết quả nào đáng kể: Từ nỗ lực không thành muốn xóa sổ luật chăm sóc sức khỏe mang dấu ấn của cựu Tổng thống Barack Obama sang sắc lệnh cấm di dân từ sáu nước Hồi giáo, dựng bức tường biên giới Mexico, từ thất bại điều đình với Bắc Hàn, Iran sang EU, khối Nato, đàm phán lại để điều đình hiệp ước khí hậu Paris v.v…
Cái duy nhất mà Trump được chú ý là tài nói láo, Trump nói láo hàng ngày trong khi cứ nhất quyết gán cho giới truyền thông là “fake new”. Chỉ vì thiếu kỹ năng thỏa hiệp và ngoại giao và đạo đức, Trump được xem là một tổng thống yếu nhất và tệ nhất, bị thế giới khinh thường nhất trong số 45 vị tổng thống từ 1789 đến nay. (1)
Phương Tôn
(1): Theo cuộc thăm dò ý kiến hiện nay do Real Clear Politics bình chọn, 56 phần trăm người Mỹ không hài lòng với công việc của Trump và 39 phần trăm hài lòng. 57 phần trăm của người dân Mỹ không thích ông ta.
Tờ Washington Post đưa ra kết quả khảo sát của đại học Maryland, 70% người Mỹ tin rằng chính phủ của Trump đã thất bại. Quan điểm tiêu cực của Tổng thống và công việc của ông cũng đưa ra một hình ảnh tiêu cực về tình trạng của đất nước: 70% người Mỹ tin rằng dưới sự lãnh đạo của Trump, đất nước này đang bị chia rẽ trầm trọng như chưa bao giờ có trong vòng nữa thế kỷ trở lại. Niềm tin của người Mỹ dành cho các chính trị gia và niềm tự hào trong nền dân chủ của họ đã giảm xuống mức thấp lịch sử. Và đa số đổ lỗi cho Trump vì điều đó