Adam Schiff , Chuyển ngữ: Đinh Từ Thức
Đinh Từ Thức chuyển ngữ, giới thiệu, và phụ chú bài quan điểm “Bolton could have made a difference but he chose to make a profit with his book,” của Adam Schiff, Dân Biểu Đảng Dân Chủ, đại diện tiểu bang California, Chủ Tịch Uỷ Ban Tình Báo Hạ Viện Mỹ.
Tuy ngày 23 tháng 6 mới chính thức phát hành, ngay từ 18 tháng 6, một cuốn sách của Bolton đã xuất hiện ngay trước Bạch Ốc. (AP Photo/Alex Brandon)
Lời người dịch: Cuốn hồi ký về thời gian làm Cố Vấn An Ninh Quốc Gia tại Bạch Ốc của John Bolton, The Room Where It Happened: A White House Memoir, đã gây sôi nổi dư luận từ trước khi chính thức phát hành vào ngày 23 tháng 6, 2020. Trước ngày phát hành, chính quyền của Tổng Thống Trump đã yêu cầu toà án ngăn chặn việc phát hành, với lý do nội dung cuốn sách chứa đựng nhiều bí mật quốc gia, không thể tiết lộ. Tòa đã bác lời yêu cầu này vào ngày 20 tháng 6, chỉ 3 hôm trước ngày phát hành. Quả thật, sách đã ghi lại khá nhiều điều “rùng rợn” về lời nói việc làm của Tổng Thống Trump.
Sau khi thất bại chuyện chặn đứng việc phát hành, Tổng Thống Trump và nhiều nhân vật trong chính quyền đã nói cuốn sách chứa nhiều chuyện bịa đặt, nhưng không chỉ rõ chỗ nào là bịa đặt hay sai lầm. Hơn nữa, nếu nội dung sách chỉ là thứ tiểu thuyết hư cấu, và Bạch Ốc đã được đọc trước bản thảo, tại sao phải yêu cầu toà án chận phát hành vì lý do tiết lộ bí mật an ninh quốc gia. Chuyện bịa, không thể phương hại tới an ninh quốc gia.
Về phía Quốc Hội, tiêu biểu là Dân Biểu Adam Schiff (Dân chủ – California), chủ tịch Uỷ Ban Tình Báo Hạ Viện, một trong số những nhân vật đứng đầu cuộc điều tra đưa đến việc đàn hạch (Impeachment) Tổng Thống Trump, đã chỉ trích tác giả John Bolton yêu tiền hơn yêu nước. Theo Dân Biểu Schiff, nêu trước đây ông Bolton chịu ra làm chứng trước Hạ Viện, tiết lộ những điều ông viết trong hồi ký, thì kết quả đàn hạch có thể đã khác.
Nhưng nói như ông Schiff cũng chỉ là giả định. Là một thành phần của Quốc Hội, ông đã thấy rõ các Nghị Sĩ Cộng Hòa ngày nay không như Nghị Sĩ Cộng Hòa thời Nixon. Thời ấy, khi thấy Nixon hết đường chối cãi về âm mưu dùng lý do an ninh quốc gia để FBI chấm dứt cuộc điều tra vụ Watergate, và trước khi tiến hành thủ tục đàn hạch, các nghị sĩ và dân biểu Cộng Hòa đã trực tiếp đương đầu Nixon. Ngày Thứ Tư, 7 tháng 8, 1974, một phái đoàn, hướng dẫn bởi Nghị Sĩ Barry Goldwater (Cộng Hòa – Arizona), cựu ứng cử viên tổng thống năm 1964, và lãnh tụ Cộng Hòa tại Thượng Viện, NS Hugh Scott, cùng với lãnh tụ Cộng Hòa tại Hạ Viện, DB John Jacob Rhodes, gặp Nixon tại Bạch Ốc lúc 5 giờ chiều. Goldwater nói thẳng, tại Thượng Viện, Nixon đã mất khoảng từ 16 đến 18 phiếu ủng hộ, còn quá ít đề có thể bỏ phiếu giữ Nixon lại; chính ông nói cũng sẽ bỏ phiếu kết tội Nixon, nếu thủ tục đàn hạch đước tiến hành. Dân Biểu Rhodes nói sự ủng hộ Nixon tại Hạ Viện cũng mong manh như vậy. Nixon đã từ chức ngay hôm sau, ngày 8 tháng 8. Bây giờ, trong số trên 50 nghị sĩ Cộng Hoà, chỉ có duy nhất NS Mitt Romney bỏ phiếu đàn hạch Trump. Số còn lại, với lãnh tụ như Mitch McConnell, là những đại diện dân nhưng tuyệt đối trung thành với Trump, dù có vài ba người như Bolton tiết lộ thêm những bí mật động trời về Trump, Thượng Viện cũng vẫn nhắm mắt bỏ phiếu tha bổng.
Nghị sĩ Romney đi chiếu điện, Bác Sĩ ngạc nhiên: “Tôi chưa bao giờ thấy chuyện này: Một chính trị gia có xương sống!” (Tranh hí họa của Rick McKee – Counterpoint.com)
Ở cuối bài, Dân Biểu Schiff đã kết tội các Nghị Sĩ Cộng Hòa hèn nhát, không giám đương đầu với Tổng Thống Trump, nên phải chia sẻ với ông sự phán xét nghiêm khắc của lịch sử sau này. Nhưng cũng chẳng phải riêng Nghị Sĩ Cộng Hoà thời nay mới tồi như vậy. Nghị Sĩ Dân Chủ, cùng đảng với ông Schiff, từ hai thập niên trước, trong vụ án đàn hạch Bill Clinton, trước những chứng cớ không thể chối cãi được trên chiếc áo xanh, vẫn nhắm mắt bỏ phiếu tha bổng Clinton.
Tuy vậy, quan điểm của Dân Biểu Schiff về cuốn hồi ký đang gây sôi nổi cũng là điều đáng chú ý. Mời bạn đọc theo dõi bản dịch bài quan điểm của Dân Biểu Schiff sau đây, mang tựa đề ”Schiff: Bolton could have made a difference but he chose to make a profit with his book”, đăng trên mục Quan Điểm (Opinion) của báo USA Today, ngày 28 tháng 6, 2020. Cộng thêm phần phụ chú của người dịch.
Hình chụp lại tin báo nói Ngoại Trưởng Mike Pompeo, người trong sách Bolton kể đã nói xấu sau lưng Trump, gọi Bolton là kẻ phản bội. Cựu phát ngôn Bạch Ốc Sarah Sanders gọi Bolton là người say quyền lực. TT Trump qua tweet gọi Bolton là “Tên lập dị chán phèo, sách trên New York Times toàn dối trá và truyện giả. Trước vẫn nói tốt về tôi với báo chí, cho đến khi bị tôi sa thải. Một tên khùng bất mãn chỉ muốn gây chiến. Không bao giờ có căn cứ, đã bị tẩy chay & vui mừng loại bỏ. Đúng là đồ ngu.”
Tất cả chỉ là chửi rủa, không ai nêu ra điểm sai lầm cụ thể nào. Trump xác nhận với Fox News “đây là thông tin mật cấp cao, [Bolton] đã không được chấp thuận (cho phổ biến).”
***
Bolton cung cấp chứng cớ mới rằng Trump đã trắng trợn lạm dụng quyền hành và xác nhận trọng tâm đàn hạch của chúng tôi đã buộc tội ông ta đặt quyền lợi của mình trên quyền lợi của Hoa Kỳ.
Tuần rồi, chúng ta đã chứng kiến sự tái xuất hiện của John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống, và việc phát hành cuốn sách của ông ta. Trong đó, Bolton đã mô tả những kinh nghiệm cá nhân của mình với Trump và lớn tiếng báo động về sự thiếu khả năng của Trump, cũng như điều nguy hiểm là Trump đã đặt an ninh quốc gia dưới quyền lợi cá nhân, và căn bản thiếu nhân cách của ông ta.
Tóm lại, Bolton đang nói với người Mỹ những gì chúng ta đã thừa biết. Rằng tổng thống giống hệt những gì ông đã phơi bầy: Nhỏ mọn, vụ lợi (self-serving), kém hiểu biết và luôn ở thế nài nỉ (supplicant) với những nhà độc tài ở Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Bắc Triều Tiên và Nga.
Chúng tôi đã chứng tỏ trong phiên tòa đàn hạch rằng Donald Trump đã giữ lại hàng trăm triệu đô la tiền viện trợ quân sự cho Ukraine để cưỡng ép nước này phải tuyên bố mở cuộc điều tra hình thức về đối thủ chính trị của ông ta. Bolton xác nhận vụ án của chúng tôi và cung cấp thêm bằng cớ về lạm dụng trắng trợn quyền hành, và nêu bằng chứng tận mắt về việc Trump đã xác nhận như thế nào trong cuộc nói chuyện giữa họ về vụ quid pro quo (có đi có lại) bất hợp pháp. Hơn nữa, Bolton cũng làm sáng tỏ hơn lời chứng của Gordon Sondland, người đã nói rằng “mọi người đều liên hệ” (everyone was in the loop). Đúng thế, gồm cả Ngoại Trưởng, Bộ Trưởng Quốc Phòng, và Bộ Trưởng Tư Pháp, Bill Barr.
Phản bội giá trị Hoa Kỳ
Nhưng Bolton đã làm nhiều hơn những gì tố cáo trong đàn hạch. Trong vụ án, tôi đã nêu ra một câu hỏi giả định về chuyện Trung Quốc can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng ta, và liệu Trump có cưỡng lại sự can thiệp đó không — hay thay vào đó, đề nghị với Trung Quốc một thương lượng tốt hơn về thương mại. Té ra, đây đã không phải là một giả định. Bolton kể chi tiết việc Trump đã tìm kiếm sự giúp đỡ của Trung Quốc như thế nào trong việc giúp ông ta tái cử, có lúc đã xin Chủ Tịch Tập Cận Bình (Xi Jinping) giúp đỡ và rõ ràng đề nghị nhân nhượng về thương mại để đạt điều đó.Hình chụp tweet của DB Schiff kể việc ông đặt câu hỏi trước các Thượng Nghị Sĩ trong vụ án đàn hạch Trump: “Nếu Trung Quốc bắt đầu can thiệp vào các cuộc bầu cử của chúng ta để giúp Trump, ông ta có tố cáo họ không? Hay ông ta sẽ cho Trung Quốc một thương lượng tốt hơn về thương mại? Té ra, câu trả lời tai hại đúng như chúng ta đã nghĩ.”
Theo Bolton, Trump còn làm thiệt hại tới giá trị của đất nước chúng ta bằng cách nói với Tập rằng không những lãnh đạo Trung Quốc hành xử đúng phép trong việc cầm tù hàng triệu người Uighurs trong các trại tập trung, nhưng đó còn là điều phải, nên làm. Đây là sự phản bội trắng trợn mọi giá trị của Hoa Kỳ và chỉ có thể hiểu được trong tình cảnh cùng đường của Trump, là nhờ Trung Quốc giúp để bảo đảm cho sự tái cử của mình. Cũng không ngạc nhiên rằng, trong thời gian virus bắt đầu đe dọa sức khỏe người dân chúng ta, Tổng Thống Trump tiếp tục ca tụng Trung Quốc trong lúc biết rằng Trung Quốc đã giấu thông tin quan trọng về sự lây lan của virus.
Dầu sao, điều tai hại nhất là sự xác nhận của Bolton về trọng tâm tố cáo của chúng tôi trong vụ đàn hạch Trump – rằng đất nước không thể tin tưởng Donald Trump làm những gì chính đáng cho Hoa Kỳ, mà chỉ những gì hợp với quyền lợi của Trump. Như Bolton đã viết: “Trong thời gian tại chức, tôi khó có thể nêu ra quyết định quan trọng nào của Trump mà không dựa trên những tính toán về chuyện tái cử” (“I am hard-pressed to identify any significant Trump decision during my tenure that wasn’t driven by re-election calculations”).
Qua hình ảnh tai hại rành rành của một tổng thống lạm quyền, cùng sự liên hệ trực tiếp sững sờ giữa những tang chứng của Bolton và cuộc điều tra đàn hạch của chúng tôi, chúng tôi nên phản ứng ra sao về quyết định của Bolton đã không phổ biến thông tin này cho đến khi ông ta có thể dùng nó để kiếm tiền? Chỉ điều này đã chứng tỏ Bolton không yêu nước. Cùng với tầm mức mà ông đã kết tội Trump, Bolton đã kết tội chính mình về việc đặt lợi nhuận trên lòng yêu nước.
May thay, đã có nhiều người thực sự yêu nước trong bộ tham mưu của Bolton và đâu đó trong chính quyền, đã nói với Quốc Hội những gì họ biết khi được Hạ Viện mời ra làm chứng về mưu kế nhũng lạm của Trump. Họ đã làm việc chính đáng, đôi khi phải trả giá đáng kể về phương diện cá nhân hay nghề nghiệp. Trung Tá Andrew Vindman đã mất chức tại Hội Đồng An Ninh Quốc Gia vì bị trả thù, và bây giờ nghe báo cáo có thể bị từ chối thăng cấp vì đã nói sự thật. Bởi vì, qua những lời không thể xóa được của ông, “Đây là Hoa Kỳ … Và ở đây, việc làm đúng là đáng kể.”
Hèn nhát thay vì can đảm
Bolton đã có cơ hội gia nhập hàng ngũ với Vindman, Fiona Hill, Tim Morrison, Marie Yovanovitch, Bill Taylor và nhiều người khác đã bầy tỏ sự can đảm vĩ đại trong khi làm chứng. Nhưng ông ta đã từ chối. Nhiều lần.Và mặc dầu có cảm tưởng như chuyện đã lâu, thật ra mới hơn bốn tháng trước, tôi đã hùng hồn nêu ra trước Thượng Viện câu hỏi về Trump – “Sẽ có bao nhiêu tai hại mà ông ta có thể gây ra trong thời gian từ giờ tới cuộc bầu cử sắp tới? Rất nhiều. Rất nhiều tai hại.” (“How much damage can he do between now and the next election? A lot. A lot of damage.”)
Trên 125.000 người Hoa Kỳ bây giờ đã chết. Hàng chục triệu người thất nghiệp. Trong thời gian cả nước phải tìm cách vượt qua nạn kỳ thị có hệ thống (systemic racism), Trump chẳng làm gì ngoài việc gieo rắc chia rẽ, và dùng những đòn bẩy quyền lực để tấn công kẻ thù của mình. Bây giờ chỉ mới là tháng Sáu.
Khi lịch sử được viết xuống, Donald Trump sẽ bị phán xét nghiêm khắc, cũng như những thành viên Cộng Hòa tại Thượng Viện đã từ chối đứng lên đương đầu với ông ta trước những chứng cớ hiển nhiên về những việc làm sai trái và đối nghịch với chức vụ. Nhưng cũng không thể nương tay với John Bolton, người đã có cơ hội làm nên sự khác biệt, thay vào đó, đã chọn việc làm tiền.
***
Phụ chú của người dịch:
Đầu tiên, về thân thế và sự nghiệp của John Bolton: sinh năm 1948, 72 tuổi, kém Trump 2 tuổi. Có bằng cử nhân và tiến sĩ luật ở Yale. Phục vụ trong Vệ Binh Quốc Gia, Theo đảng Cộng Hoà từ hồi niên thiếu; 16 tuổi đã tham gia vận động cho ứng cử viên Tống Thống Barry Goldwater, một Nghị Sĩ Cộng Hoà uy tín, nổi tiếng bảo thủ và hiếu chiến, từng chủ trương đánh bại Cộng Sản tại Đông Dương bằng võ lực. Bolton là Cộng Hoà kiên trì hơn Trump. Trong khi Trump đổi qua đổi lại giữa Cộng Hoà và Dân Chủ nhiều lần, Bolton vẫn một lòng trung thành với Cộng Hòa, và diều hâu, giống thần tượng Goldwater. Đầu thập niên 2000, Bolton là Thứ Trưởng Ngoại Giao, rồi Đại Sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) thời Tổng Thống Bush con; gần đây nhất, phân tích thời sự trên Fox News, trước khi trở thành Cố Vấn An Ninh Quốc Gia cho Tổng Thống Trump, 2018.Theo lời Bolton, khởi đầu, Trump muốn chọn ông ta vào chức Ngoại Trưởng, nhưng sợ Thượng Viện không chấp thuận, nên để ông làm Cố Vấn An Ninh Quốc Gia, địa vị này không cần qua cửa Thượng Viện. Sở dĩ có chuyện này, vì vào năm 2005, khi được George W. Bush bổ nhiệm làm Đại Sứ tại LHQ, ông ta đã bị phía Dân Chủ chống đối, trì hoãn thủ tục chấp thuận trên bốn tháng, trước khi phủ nhận. Cuối cùng, Bush đã phải qua mặt Thượng Viện, gây ra nhiều chống đối, bằng thủ tục bổ nhiệm trong thời gian Thượng Viện nghỉ họp (recess appointment).
Lập trường hiếu chiến cố hữu, cũng như thái độ chống Cộng và chống độc tài hung hăng của Bolton, đã biến ông thành mục tiêu tấn công hàng đầu của đảng Dân Chủ. Một trong những cao thủ chống Bolton ở Thượng Viện, chẳng phải ai xa lạ, chính là Nghị Sĩ Joseph Biden, người sẽ là đối thủ của Trump trong cuộc bầu cử tống thống tháng 11 tới. Vì thế, không lạ, khi thấy Bolton lên tiếng trong dịp phát hành sách, một cuốn sách rất hại cho Trump, đã khẳng định ông sẽ không bầu cho Biden.
Qua thủ tục chuẩn thuận việc Bolton làm Đại Sứ tại LHQ năm 2005, sau mấy tháng điều tra sâu rộng, trong khi Nghị Sĩ Cộng Hòa như George Allen, tận tình bênh vực Bolton, phía Dân Chủ cương quyết chống đối; trong số này, có các tên tuổi quen thuộc như Kerry, Obama. Biden đã không chấp nhận Bolton vì bốn điểm: (1) – Bolton liên tiếp tìm cách thay đổi những người phân tích tình báo bất đồng ý kiến với mình; (2) – Qua những diễn văn và chứng từ, Bolton liên tiếp cố gắng làm cho nội dung phân tích tình báo hợp với quan điểm của mình; (3) – Qua liên hệ với đồng nghiệp và cấp dưới, trong và ngoài chính quyền, Bolton luôn biểu lộ phong cách lấn áp (abusive) và thiếu khoan dung với quan điểm khác; (4) – Bolton liên tiếp đánh lạc hướng, thiếu tôn trọng, và không đáp ứng nhận định của Uỷ Ban.
Trong thời gian làm Thứ Trưởng Ngoại Giao đặc trách vấn đề tài giảm võ khí, Bolton đã “quậy” nhiều, tạo không ít khó khăn cho Ngoại Trưởng Colin Powell. Sang thời nữ Ngoại Trưởng Condoleezza (Condi) Rice, có lẽ, một phần để đỡ gánh nặng cho Condi, Bush con đã tạo cơ hội cho Bolton tới quậy ở LHQ, nơi mỗi năm Mỹ chi 2 tỉ Mỹ kim, nhưng đã trở thành diễn đàn chống Mỹ của phe độc tài và các nước nhỏ mới xuất hiện. Đồng thời, cũng nơi đây đã có nhiều vụ tham nhũng tai tiếng. Bush W. không ngại qua mặt cả Quốc Hội, gửi con ngựa chứng Bolton tới đó, với hy vọng thúc đẩy cải tổ.
Từ thân thế sự nghiệp, cùng với cuốn sách mới gây sôi nổi của Bolton, có thể nêu ra mấy điểm sau đây:
Trước hết: Trump và những người ủng hộ ông, bị một vố khá nặng, nhưng không thể theo thói quen đánh trả bằng miếng võ cũ mèm, nhắc lại luận điệu đây là trường hợp bọn Dân Chủ thiên tả phản động, dùng cuốn sách để phá Trump trong cuộc bầu cử sắp tới. Bolton là đối thủ hàng đầu của Dân Chủ, còn Cộng Hòa hơn Trump. Không thể đổ vấy cho Bolton đánh Trump để làm lợi cho Biden.
Hơn nữa, những điều nói và làm của Trump do Bolton chứng kiến và tiết lộ, chính Trump cũng xác nhận, “thuộc loại thông tin bí mật cao độ” (This is highly classified information). Vậy, không thể dễ dàng phủi tay, nhún vai, gọi đó là fake news, tin bịa. Những thông tin bí mật cao độ này, đưa đến điểm kế tiếp.
Thứ nhì: Ngoài thành phần người Mỹ nhiệt tình ủng hộ Trump vì lý do chủng tộc hay kinh tế, còn có nhiều người gốc Việt ở hải ngoại, và người Việt trong nước ủng hộ Trump, vì tình yêu nước Việt, với kỳ vọng cao là Trump chống Tầu, bảo vệ Việt Nam. Quý vị này sẽ nghĩ gì trước những sự việc trắng trợn do Bolton đã chứng kiến và phanh phui? Theo Bolton, Trump chẳng những không chống Tầu, ngược lại, còn ca tụng, tâng bốc, nài nỉ Tập Cận Bình giúp mình tái đắc cử, với thái đô xum xoe đáng kinh ngạc. Tả lại cuộc gặp mặt giữa Trump và Tập Cận Bình tại Osaka, năm 2019, Bolton cho biết Trump nói với Tập rằng, “Dân Chủ thù nghịch với Trung Quốc.” Bolton viết tiếp:
“Rồi thật ngạc nhiên, ông hướng cuộc đối thoại sang cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới, nói bóng gió rằng kinh tế Trung Quốc có khả năng ảnh hưởng tới cuộc vận động bầu cử đang diễn ra, xin Tập bảo đảm là ông sẽ thắng.” Bolton kể, “Ông nhấn mạnh về sự quan trọng của giới nông dân, và việc Trung Quốc mua thêm đậu nành với lúa mì liên quan tới kết quả cử tri đoàn” (“He then, stunningly, turned the conversation to the coming U.S. presidential election, alluding to China’s economic capability to affect the ongoing campaigns, pleading with Xi to ensure he’d win,”) (“He stressed the importance of farmers, and increased Chinese purchases of soybeans and wheat in the electoral outcome.”
Bolton viết, “Tôi đã muốn in lại nguyên văn lời nói của Trump, nhưng thủ tuc duyệt xét của chính quyền trước khi xuất bản đã quyết định khác.” (“I would print Trump’s exact words but the government’s pre-publication review process has decided otherwise.”)
Theo Vanity Fair ngày 18 tháng 6, 2020, tạp chí này đã được đọc một ít bản thảo sách của Bolton trước khi bị sửa (unredacted passage), câu của Trump nói với Tập trong bữa tiệc vào thời gian hội nghị G20 tại Osaka, Japan, mùa hè năm ngoái, nguyên văn như sau: “I will probably win anyway, so don’t hurt my farms.… Buy a lot of soybeans and wheat and make sure we win.” (Có thể đằng nào tôi cũng thắng, vậy đừng gây thiệt hại cho các nông trại của tôi…. Mua rất nhiều đậu nành và lúa mì và cầm chắc chuyện chúng tôi thắng).
(Vanity Fair cho biết, Bạch Ốc đã không đáp ứng yêu cầu bình luận về tiết lộ này. — The White House did not respond to a request for comment.)
Không ngạc nhiên khi thấy, suốt trong thời gian đối phó với Covid-19, Trump chỉ chửii bới, đổ tội cho China với Chinese, Tầu và người Tầu, trong khi liên tục ca tụng Tập Cận Bình. Theo bản liệt kê của Politico, trong thời gian từ 22 tháng 01 đến 29 tháng 02, chỉ có 5 tuần, Trump ca tụng Tập đúng 15 lần, cả trên twitter, diễn văn, và phỏng vấn với Fox News.
Một chi tiết nhỏ, nhưng đáng chú ý, do Bolton tiết lộ: Trong dịp gặp tại Osaka, Trump đã nói với Tập: “Phe Dân Chủ thù nghịch với Trung Quốc” – Democrats were hostile to China. Trong khi ấy, tại Mỹ, Trump và những người sủng hộ ông, phát tán thông tin buộc tội Dân Chủ đi với Tầu, bán đứng Hoa Kỳ, và gây sự sợ hãi: Nếu Biden đắc cử, Tầu sẽ đè bẹp Mỹ.
Kỳ vọng Trump chống Tầu để cứu Việt Nam, trong khi Trump nhờ cậy và ca tụng Tập, để được tái đắc cử. Quý vị nghĩ sao?
Thứ ba: Gốc Việt hải ngoại, và người Việt trong nước, còn kỳ vọng vào thái độ quyết liệt của Trump để bảo vệ nhân quyền, đương đầu với độc tài cộng sản. Nhưng qua những tiết lộ trong hồi ký của Bolton, Trump chỉ quan tâm làm những gì có lợi cho ông ta thôi, và ưu tiên bây giờ là tái đắc cử. Chẳng những không quan tâm tới nhân quyền, Trump còn về hùa với Trung Quốc trong việc đàn áp người thiểu số Uighur. Tin từ 2018 cho biết, Trung Quốc đã xây nhiều trại tập trung ở Xinjiang, giam giữ cả triệu người Uighur, trong tình trạng cực kỳ vô nhân đạo. Nhưng Hoa Kỳ không có biện pháp cụ thể nào đáp ứng vụ chà đạp nhân quyền tập thể này.
Hồi ký của Bolton tiết lộ rằng, cũng tại hội nghị G20 ở Osaka năm ngoái, trong cuộc gặp giữa Trump và Tập, chỉ có sự hiện diện của thông dịch viên, Tập đã giải thích cho Trump lý do tại sao Trung Quốc lập những trại tập trung dành cho người Uighur, Trump đã nói với Tập rằng ông chấp nhận chuyện vi phạm nhân quyền này. Bolton viết: “According to our interpreter, Trump said to Xi, ‘go ahead, you’re doing exactly the right thing.’” (“Theo người thông dịch của chúng tôi, Trump nói với Tập, ‘cứ tiến hành đi, ông đang làm đúng điều phải làm’”).
Trước phản ứng dữ dội của dư luận, vào tháng 05 vừa qua, Quốc Hội đã mau chóng thông qua, với đa số hầu như toàn thể lưỡng viện – chỉ có một phiếu chống ở Hạ Viện – một dự luật, Uighur Human Rights Act, cho phép tổng thống ban hành những biện pháp trừng phạt (sanctions) Trung Quốc về vụ Uighur. Mãi đến tuần thứ ba tháng Sáu vừa rồi, vào dịp Bolton phát hành hồi ký, Trump mới âm thần ký ban hành đạo luật này, không có nghi lễ rềnh rang như thường lệ. Nhưng ban hành mà không thi hành, nghĩa là không quy định các biện pháp trừng phạt theo quyền hạn. Theo tin truyền thông tuần rồi, Trump cho biết sở dĩ ông chưa thi hành đạo luật, vì sợ phương hại tới cuộc thương thuyết thương mại Mỹ-Trung Quốc đang tiến hành. Rõ ràng Trump coi thương mại nặng hơn nhân quyền.
Trong kho tàng văn hoá VN, có câu truyện nhiều người biết: Một quả phụ cúng giải oan cho người chồng bị chết đuối. Vàng mã gồm quan tiền và một hình nhân. Ném xuống sông, tiền chìm, người nổi. Bà than: “Đồng tiền nặng thì đồng tiền chìm, thằng người nhẹ thì thằng người nổi. Ối anh ơi, của nặng hơn người!”
Không ngờ, nhận xét của người phụ nữ Việt chất phác ngày xưa, nay vẫn còn có thể áp dụng cho người đã có công làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại!
Còn rất nhiều điều đáng nói trong cuốn hồi ký của Bolton, nhưng sợ quá dài.
***
Trở lại quan điểm của Dân Biểu Adam Schiff về con người, và cuốn hồi ký của John Bolton. Bolton đúng là loại người khác biệt, không phải chỉ vì bộ râu, mà còn nhiều thứ. Bảo thủ trong thời đại thay đổi mau lẹ. Hiếu chiến và cố chấp trong thời đại cần hài hòa, bao dung. Hung hăng, lấn lướt trong lãnh vục ngoại giao cần mềm mỏng và tế nhị. Còn nhiều thứ, không thể kể hết. Nhưng nói Bolton hèn nhát, và yêu tiền hơn yêu nước, e không đúng.
Nhà xuất bản sách của Bolton, chắc sẽ nhận được khoản thu nhập lớn. Riêng Bolton, chưa chắc đã giữ được hai triệu đô la nhuận bút, nếu bị thua kiện vì đã không tôn trọng một số hạn chế trong quy định dành cho viên chức chính quyền viết sách sau khi rời chức vụ. Điều này đã có nhiều tiền lệ. Là một luật gia, chắc chắn Bolton phải biết. Quyết định làm một việc hệ trọng, có ảnh hưởng tới đại sự, mà không nắm chắc về kết quả tài chính, không phải là người hành động vì tiền. Hơn nữa, nếu hồi ký của Bolton có thể giúp nhiều người tỉnh ngộ, nhìn ra sự thật trước tình hình đất nước nhiễu nhương, thì cũng có thể coi việc làm của ông là thái độ can đảm, được thúc đẩy bởi lòng yêu nước.
Không nên vội vàng lên án Bolton, khi ông từ chối ra làm chứng trước Hạ Viện, nếu không bị bắt buộc. Nếu có lệnh triệu tập, ông đã tuân theo. Không có lệnh, ông không ra, vì thừa biết, với thành phần nghị sĩ Cộng Hòa hiện tại, dù ra làm chứng, ông cũng chẳng thay đổi được gì. Dân Biểu Schiff nói: “John Bolton, người đã có cơ hội làm nên sự khác biệt, thay vào đó, đã chọn việc làm tiền.” Nói vậy là lẫn lộn giả định với xác định.
Thật ra, kẻ thực sự đã có cơ hội, và đủ khả năng cùng quyền hạn làm nên sự khác biệt, nhưng vì hèn nhát hay vì quyền lợi, đã không làm, là người đang làm việc ở phía đối diện với Dân Biểu Schiff, dưới cùng một mái nhà Quốc Hội. Đó chính là Trưởng Khối đa số Cộng Hòa, Nghị Sĩ Mitch McConnell.
Adam Schiff