Đọc Sách Giấy hay Sách Điện Tử

Đọc Sách Giấy
hay Sách Điện Tử




Thời cổ đại cũng đã từng xảy ra cuộc tranh luận gay gắt

Việc tranh cãi về sách điện tử hay sách giấy không phải là đề tài gì quá mới mẻ. Cách đây cả ngàn năm vào thời La Mã cổ đại, cũng từng xảy ra một cuộc tranh luận kịch liệt tương tự khi những quyển sách đầu tiên xuất hiện đã gây sự chú ý trong giới chuyên môn.

Ngành xuất bản sách đang thay đổi từng ngày từng giờ. Những cuốn sách điện tử dễ dàng mang theo hơn là sách giấy, có thể chứa đựng hàng trăm đầu sách khác nhau phục vụ người đọc thông qua máy tính bảng. Hàng ngàn đầu sách chỉ gói gọn trong một cú click chuột. Người ta không ngừng tranh cãi về việc sách điện tử không tinh xảo bằng sách giấy, nhưng không thể phủ nhận sự tiện lợi của sách điện tử. Cho dù có người cho rằng sách điện tử có thể dễ bị đánh cắp hoặc bị rơi hỏng, nhưng những tài liệu sách vẫn được lưu trữ an toàn trong đám mây, và bạn chỉ việc tải xuống để đọc trên một thiết bị mới. Không quá chút nào khi nói rằng hình thức sách và việc đọc sách đang ở tình thế cải cách khó khăn.

Tuy vậy không phải ai cũng vui với sự phát triển của sách điện tử. Những người yêu sách, các nhà xuất bản và các hiệu sách nhìn chung có cùng quan điểm khi họ quan tâm hết mực đến cuộc chiến giữa sách giấy và sách điện tử. Tom Tivnan, phóng viên của tờ The Booksellery đăng bài gần đây cho biết, anh khá yên tâm khi số lượng sách điện tử được bán lần đầu tiên đã chững lại: “Đối với những ai dự đoán sách in sẽ chết yểu và sách điện tử sẽ thống lĩnh thị trường vào cuối thế kỷ này, những số liệu kinh doanh về sách in và sách số trong năm 2015 sẽ khiến họ phải suy xét lại”. Sách giấy hiện tại có thể đang có lợi thế, nhưng cuộc tranh luận sẽ còn kéo dài.

Điều thú vị là sự thay đổi xu hướng của sách đang đối mặt hiện nay cũng đã từng xuất hiện tương tự trong lịch sử. Cách đây hai ngàn năm, một loại sách mới và không chính thống cũng đe dọa đảo lộn trật tự của cả ngành sách thời kỳ đó.
 

Đọc sách giấy hay sách điện tử?

Thời hoàng kim của sách cuộn



Văn học viết đã từng ‘làm mưa làm gió’ ở La Mã vào thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Những bức phù điêu, đài tưởng niệm hay mộ chí được ghi khắc những chữ viết hoa trang nghiêm. Trên mọi nẻo đường, người dân bản địa ghi chép và gửi thông tin cho nhau trên những mảng gỗ phủ bằng sáp ong, và thư viện của những người giàu có thì tràn ngập sách về lịch sử, triết học và nghệ thuật. Nhưng đó không phải là những cuốn sách quen thuộc như chúng ta biết ngày nay, mà là sách cuộn được làm từ giấy cói Ai Cập với những mảnh dài từ 4,5 – 16 mét. Sách cuộn có mặt ở khắp nơi, dù phổ biến như vậy nhưng sự bất lợi của chúng ngày càng rõ rệt.

Cách duy nhất để đọc được sách cuộn là độc giả phải giữ sách bằng hai tay, ngoại trừ trải sách cuộn lên bàn. Trong trường hợp đó, chặn sách hoặc chốt gỗ sẽ được sử dụng nhằm cố định một đầu cuộn sách. Khi đọc, người đọc phải mở một cách cẩn thận từ phải sang trái, rồi cuộn lại. Các nhà văn và người sao chép thường viết theo cột có độ dài một vài inch, sao cho với khổ lớn như vậy, những tấm cói mỏng manh không bị rách khi cuộn lại. Ngay cả cẩn thận như thế, các nhà khảo cổ học cũng phát hiện ra rằng, phần lề đáy của sách cuộn bị mòn do cọ xát vào quần áo của người đọc.



Một vấn đề chủ yếu đối với sách cuộn là giấy cói không phải là một vật liệu bền chắc, đặc biệt ở khí hậu khô và nóng như Địa Trung Hải. Chính vì vậy mà hoàng đế Tacitus (trị vì từ năm 275 đến năm 276) đã phải ra lệnh làm những bản sao mới đối với những cuốn sách lịch sử mà ông ưa thích hằng năm để thay thế những cuộn sách đã bị mục nát ở Gaul và Germania. Giấy cói cũng dễ bị gãy vỡ và rách nát nếu người đọc gấp mở quá thường xuyên, vì lý do đó mà người xưa phải làm theo cách sách có thể cuộn lại được. Chinh vì vậy, hầu hết sách cuộn chỉ có thể viết được một mặt. Trái lại nếu viết trên cả hai mặt sẽ gây khó khăn cho người đọc.
Sách cuộn được làm từ giấy cói Ai Cập với những mảnh dài từ 4,5 – 16 mét đã được sủ dụng từ thời cổ đại.
 

Sự xuất hiện đầy bí ẩn

Ở một thời điểm nào đó trong hoặc trước thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, đã xuất hiện một loại sách mới hứa hẹn sẽ thay thế những bất lợi của sách cuộn. Bằng chứng về điều này vẫn chưa rõ ràng lắm, nhưng các nhà khảo cổ học đã khám phá ra một vài trang của sách cuộn bằng giấy cói được viết trên cả mặt trước và mặt sau và có lề, điều này chỉ có thể thấy trong sách giấy thời đại chúng ta hiện nay. Những mảnh vụn của sách cuộn cổ đại được tìm thấy này, chính là hình dạng hình thành nên cuốn sách đầu tiên của nhân loại. Chúng ta biết rằng người La Mã gọi loại sách mới này là sách chép tay (codex) (xuất phát từ coudex, nghĩa là thân cây, vì sự tương đồng của nó với những tấm bảng bằng gỗ). Nhưng sách chép tay xuất hiện đầu tiên từ đâu vẫn còn là một bí ẩn. Chúng ta chỉ biết rằng người đầu tiên sử dụng loại sách này là thi sĩ thời La Mã cổ đại tên là Martia, ông đã khuyến khích độc giả đọc các tác phẩm của mình theo định dạng sách mới mẻ này.

“Các bạn đang chờ đợi những cuốn sách nhỏ bé có thể đem theo mình khắp mọi nơi và mong muốn có bạn đồng hành là cuốn sách trong những chuyến đi dài. Đừng  ngần ngại mua những cuốn sách viết trên giấy da nhỏ bé này. Xin hãy dành sách cuộn cho các tác giả lớn. Sách này chỉ cần một tay để giữ nó”.

Được sáng tác và rao bán từ năm 84 đến 86 sau Công Nguyên, thi sĩ Martial cho chúng ta biết rằng không chỉ hình thức sách giấy dần được biết đến trong thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, mà cùng với đó xuất hiện một loại chất liệu mới được dùng để đóng sách gọi là giấy da. Chất liệu da này dần thay thế cho giấy cói, được xử lý và làm sạch từ da động vật, trải qua một quá trình đẫm máu, nhưng độ dai và mịn của nó chứng tỏ đó là một chất liệu viết lý tưởng. Các nhà khảo cổ học đã xác nhận những tuyên bố của thi sĩ Martial qua những mảnh giấy da chép tay có niên hiệu vào thế kỷ thứ nhất, tuy nhiên chúng ta mới chỉ mới biết được chút ít về việc tại sao sách chép tay được phát minh, và ai đã sáng tạo ra nó. Thậm chí câu hỏi liệu những cuốn sách chép tay đầu tiên được tạo ra bằng giấy cói hay giấy da cũng chưa được trả lời một cách thỏa đáng.

Dù cho sự thật thế nào thì sách giấy được đánh số trang là một bước tiến ưu việt hơn sách cuộn. Sách chép tay được bao bọc giữa bìa sách bằng gỗ hay bìa cứng (nhờ tận dụng nguồn giấy cói hay giấy da thừa ra), để bảo vệ cuốn sách từ những độc giả bất cẩn. Việc cuốn sách được đánh số trang khiến người đọc dễ dàng theo dõi, đã mở đường cho sự ra đời của bảng mục lục. Hình thức sách mới này có không gian hữu hiệu hơn, chứa đựng được nhiều thông tin hơn so với sách cuộn làm từ giấy cói cùng kích cỡ. Khi so sánh với tác phẩm của văn sĩ sáng tác nhiều như Titus Livius, thi sĩ Martial nói rằng “có thể thu hẹp trong cuốn sách da thì sách cuộn của Livy là quá đồ sộ, toàn bộ thư viện của tôi cũng không chứa nổi”. Với những ưu thế như bền chắc, hiệu quả và dễ dàng mang theo, sách chép tay hiển nhiên là loại hình mới tiên tiến được ưa chuộng.

Người La Mã gọi loại sách mới này là sách chép tay (codex) (xuất phát từ coudex, nghĩa là thân cây, vì sự tương đồng của nó với những tấm bảng bằng gỗ). Nhưng sách chép tay xuất hiện đầu tiên từ đâu vẫn còn là một bí ẩn.

Tuy nhiên người dân trong thành La Mã và ở những vùng lân cận cũng có sự phân chia đánh giá tính ưu việt của sách chép tay. Đa số những người La Mã ngoại đạo cùng với người Do Thái thời cổ đại bấy giờ vẫn chuộng hình thức sách cuộn quen thuộc. Tuy nhiên cộng đồng những người theo đạo Cơ Đốc bấy giờ ngày càng đông lại chuộng sách đánh số trang với việc xuất bản các sách kinh Phúc Âm, những bài bình luận và những bí kíp bí truyền.

Dĩ nhiên, chúng ta đều biết kết quả của quá trình đổi mới này ra sao: Vào thế kỷ thứ 6, cả chủ nghĩa Ngoại giáo và sách cuộn đều mất hút, cùng với đó là Do Thái giáo đã bị lu mờ trước sự phổ biến của một đạo có nguồn gốc liên quan với nó là Cơ đốc giáo. Cùng với sự trỗi dậy của các nhà thờ Cơ đốc giáo, sách đánh số trang đã dần có vị trí trong lịch sử và xã hội.

Ở thế kỷ 21, sách điện tử có thể không gây ra sự tranh luận náo nhiệt như khi sách chép tay thời cổ đại xuất hiện, nhưng dù sao nó cũng truyền cảm hứng cho những quan điểm mới. Liệu sách điện tử sẽ dần thay thế sách giấy chăng, hay nó sẽ đi theo con đường của sách cuộn? Chỉ có thời gian và lợi nhuận từ những cuốn sách ăn khách mới có thể trả lời cho chúng ta câu hỏi đó.

Phương Lâm

 
NGÔ THẾ VINH, TS ERIC HENRY VỚI THE MEMOIRS OF PHẠM DUY
 “Lịch sử của các nỗ lực của tôi để xuất bản sách The Memoirs of Phạm Duy, giống như lịch sử của chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô – là một đoạn lịch sử vô cùng dài và vô cùng phức tạp. Bắt đầu từ đâu để kể cho rõ rành đây?”  [ trích dẫn email của TS Eric Henry, gửi Ngô Thế Vinh ngày 04/05/2022 ]
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top